ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN ĐA NGÀNH
I. Thế nào là đánh giá phát triển đa chuyên ngành?
Đánh giá phát triển đa chuyên ngành là việc từng nhà chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau sử dụng các công cụ chuyên sâu của họ đánh giá các mức độ phát triển của trẻ để có thể xây dựng mục tiêu, chiến lược can thiệp dài hạn hoặc ngắn hạn. Các nhà chuyên môn trong từng chuyên ngành cũng có thể hội chẩn để trao đổi mục tiêu, chương trình một cách hiệu quả nhất dành cho trẻ. Đây là quy trình cực kỳ quan trọng để có thể can thiệp cho trẻ một cách hiệu quả nhất. Các lĩnh vực đánh giá chuyên ngành bao gồm: tâm thần, hành vi cảm xúc, các chức năng phát triển, ngôn ngữ và giao tiếp, vận động, giác quan, sinh hoạt hàng ngày … Tuỳ vào nhu cầu/ vấn đề của trẻ (trên cơ sở đánh giá chẩn đoán và chỉ định của chuyên gia) mà các nhà chuyên môn trong lĩnh vực chuyên sâu sẽ thực hiện các đánh giá phát triển theo lĩnh vực và công cụ của họ.
II. Đánh giá như thế nào?
Các bước để thực hiện đánh giá phát triển đa chuyên ngành
Bước 1: Sau khi nhận các chỉ định đánh giá từ nhà chuyên môn chẩn đoán lâm sàng, các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực sử dụng công cụ và kỹ thuật chuyên sâu của mình thực hiện các đánh giá. Việc thực hiện các đánh giá bằng cách thu thập thông tin quan sát trên trẻ và phỏng vấn trên cha mẹ/ người nuôi dưỡng hoặc các đối tác khác (như giáo viên mầm non), đồng thời có thể tham khảo từ các nhà chuyên môn trong lĩnh vực khác.
Các nhà chuyên môn thực hiện đánh giá chuyên ngành tại HDAC bao gồm (tuỳ vào nhu cầu cần của trẻ mà có các đánh giá chuyên sâu khác nhau):
- a) Bác sĩ chuyên khoa tâm thần: khám xét và đánh giá chuyên sâu về các rối loạn kèm theo của trẻ, chỉ định điều trị hoá dược/ thuốc khi cần thiết.
- b) Bác sĩ Phục hồi chức năng & chuyên viên hoạt động trị liệu: đánh giá sâu về lĩnh vực Hoạt động trị liệu và vận động, rối loạn giác quan.
- c) Nhà tâm lý lâm sàng: đánh giá các chức năng phát triển và trí tuệ, các vấn đề hành vi cảm xúc.
- d) Nhà Ngôn ngữ trị liệu: đánh giá các vấn đề về giao tiếp và ngôn ngữ.
- e) Chuyên viên Giáo dục đặc biệt: đánh giá các chức năng và lĩnh vực phát triển nói chung, hành vi ứng dụng ở trẻ.
Thời gian cho một chương trình đánh giá tuỳ vào chuyên ngành của lĩnh vực đánh giá, tuy nhiên không vượt qúa 5 giờ kể cả thời gian viết báo cáo (bao gồm tất cả các lĩnh vực đánh giá).
Bước 2: Sau khi thực hiện đánh giá, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích dữ liệu viết báo cáo giải trình về phát triển và các vấn đề của trẻ, đồng thời đề xuất chiến lược can thiệp trong 3 hoặc 6 tháng phù hợp với các đặc điểm và mốc phát triển của trẻ trên cơ sở chuyên ngành của mình. Bản báo cáo và chiến lược can thiệp sẽ được từng nhà chuyên môn viết theo đặc thù của ngành/ lĩnh vực chuyên môn của mình một cách độc lập (có hội chẩn/ thảo luận kết quả đánh giá một trong các nhà chuyên môn thấy cần thiết).
Bước 3: Thảo luận kết quả và nhu cầu can thiệp với cha mẹ/ người chăm sóc. Các nhà chuyên môn đánh giá sẽ cùng tham gia trao đổi kết quả sau đánh giá cho cha mẹ hoặc người chăm sóc. Điều đó không chỉ giúp cho cha mẹ hoặc người chăm sóc nhận diện được các vấn đề của trẻ mà việc cùng tham gia trao đổi kết quả của các nhà chuyên môn phụ trách đánh giá còn đảm bảo giải quyết tốt các thắc mắc của cha mẹ hoặc người chăm sóc khi có những thắc mắc về vấn đề trong lĩnh vực mà họ quan tâm.
Các nhà chuyên môn trực tiếp đánh giá và viết báo cáo cùng ngồi trực tiếp trả kết quả cũng như tư vấn cho cha mẹ/ người chăm sóc về kết quả đánh giá. Đồng thời có cách thức hướng dẫn cha mẹ/ người chăm sóc một số kỹ năng cơ bản khi hỗ trợ trẻ tại nhà. Tuỳ vào lĩnh vực đánh giá mà có các nhà chuyên môn trong lĩnh vực ấy tham gia vào bước trả kết quả đánh giá, thời gian cho một lần trả kết quả đánh giá là 60 phút (1 giờ) tại văn phòng trung tâm.
Các nhân sự tham gia quá trình trả kết quả cho cha mẹ/ người nuôi dưỡng bao gồm:
- Nhà chuyên môn thực hiện chẩn đoán lâm sàng;
- Nhân viên hành chính, chăm sóc khách hàng;
- Các nhà chuyên môn tham gia đánh giá phát triển và tư vấn chiến lược can thiệp
III. Ai là người đánh giá phát triển chuyên ngành
Là những nhà chuyên môn được đào tạo chuyên sâu hoặc có chứng chỉ hành nghề của Bộ Y tế, đủ năng lực đánh giá. Tuỳ vào vấn đề của trẻ sẽ có các chuyên gia đánh giá gồm:
- Bác sĩ chuyên khoa tâm thần
- Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng
- Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- Chuyên viên Tâm lý lâm sàng
- Chuyên viên Âm ngữ trị liệu
- Chuyên viên Giáo dục đặc biệt.
IV. Bản mô tả các lĩnh vực và công cụ đánh giá