KHÁM VÀ ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN

Giới thiệu

Tại HDAC, trước khi thực hiện các hoạt động can thiệp, trẻ phải được khám xét để chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt, đánh giá mức độ phát triển để xây dựng mục tiêu. Việc khám xét để chẩn đoán và đánh giá phát triển để kiến nghị mục tiêu, chiến lược can thiệp là một quy trình khép kín được thực hiện bởi nhiều nhà chuyên môn. Việc đánh giá đa ngành này giúp nhìn nhận các vấn đề của trẻ một cách đa dạng, hướng đến các mục tiêu can thiệp một cách hệ thống và toàn diện. Đây là bước cực kỳ quan trọng đảm bảo hiệu quả của mô hình can thiệp đa chuyên ngành về sau.

Ảnh: BS. PHCN. Lâm Thị Xuân Nguyệt đánh giá sâu về lĩnh vực Hoạt động trị liệu và vận động, rối loạn giác quan của trẻ.

Các hình thức đánh giá tại HDAC gồm:

  1. Đánh giá chẩn đoán: thường được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hoặc nhà tâm lý lâm sàng (trình độ tiến sĩ), bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Việc đánh giá này giúp xác định các rối loạn hoặc các vấn đề/ rối loạn kèm theo để có thể đưa ra khuyến nghị đánh giá chuyên sâu/ phát triển hoặc trị liệu.
  2. Đánh giá phát triển: thường được thực hiện bởi các nhà chuyên môn đa ngành theo từng vấn đề của trẻ như bác sĩ chuyên khoa tâm thần (xem xét các rối loạn có thể kèm theo và chỉ định điều trị y khoa), bác sĩ phục hồi chức năng (đánh giá về các khía cạnh vận động, rối loạn giác quan, sinh hoạt hàng ngày), nhà tâm lý lâm sàng (đánh giá các chức năng phát triển, vấn đề hành vi cảm xúc), chuyên viên âm ngữ trị liệu (đánh giá về các chức năng lời nói, ngôn ngữ, giao tiếp), chuyên viên giáo dục đặc biệt (đánh giá về các lĩnh vực phát triển như vận động, hành vi, tương tác xã hội, hành vi thích ứng …). Trên cơ sở dữ liệu đánh giá, các chuyên viên sẽ phân tích, viết báo cáo giải trình cũng như đề xuất mục tiêu/ chiến lược can thiệp trong 3 hoặc 6 tháng (tuỳ vào lĩnh vực/ ngành) để các chuyên viên can thiệp tiếp tục xây dựng các hoạt động can thiệp cụ thể. Trong quá trình đánh giá và hoàn tất báo cáo, các nhà chuyên môn có thể hội chẩn hoặc thảo luận để bản báo cáo có thể hoàn chỉnh một cách hệ thống.
  3. Đánh giá định kỳ hoặc chuyển tiếp: Đánh giá định kỳ được thực hiện cứ sau 3 hoặc 6 tháng can thiệp, tuỳ vào lĩnh vực/ chuyên ngành hoặc mục tiêu, chương trình can thiệp. Đánh giá định kỳ được sử dụng lại toàn bộ quy trình và công cụ ở hình thức đánh giá phát triển. Đánh giá chuyển tiếp được thực hiện khi trẻ được chỉ định đánh giá để chuyển tiếp ra học hoà nhập với các yêu cầu: a) Trong quá trình đánh giá định kỳ, nhà chuyên môn nhận thấy trẻ có thể ra học hoà nhập tại các trường mầm non hoặc tiểu học, hoặc chuyển tiếp lên các chương trình cao hơn; b) Trong quá trình can thiệp, nhà chuyên môn nhận thấy trẻ có thể ra học hoà nhập tại các trường mầm non hoặc tiểu học, hoặc chuyển tiếp lên các chương trình cao hơn. c) Trẻ không thuộc chương trình can thiệp sớm và cần phải chuyển sang các trung tâm chuyên biệt khác phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm phát triển.