Mô hình chuyên môn

 

Mô hình chuyên môn mà HADC phát triển, theo đuổi là mô hình đánh giá và can thiệp sớm đa ngành (Multidisciplinary Early Assessment and Intervention). Mô hình này bao gồm các quá trình sàng lọc/ chẩn đoán – đánh giá – xây dựng mục tiêu và tư vấn nhu cầu – can thiệp – lượng giá được thực hiện bởi nhiều nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau, giúp nhìn nhận một cách toàn diện các vấn đề của trẻ từ đó định hướng và xác định mục tiêu cũng như can thiệp ưu tiên dành cho trẻ. Sự phức tạp và đa dạng các vấn đề đối với nhóm trẻ rối loạn phát triển thần kinh yêu cầu luôn phải có sự đánh giá đa chiều bởi các nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau.

 

– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần: khám và chẩn đoán; và điều trị hoá dược/ thuốc khi cần thiết.

– Bác sĩ phục hồi chức năng: khám và đánh giá các vấn đề vận động, chức năng sinh hoạt hàng ngày hoặc giác quan/ cảm giác để có thể chỉ định các mục tiêu và chương trình can thiệp về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu (OT), âm ngữ trị liệu và điều hoà cảm giác.

– Nhà Tâm lý lâm sàng: Đánh giá và chẩn đoán xác định rối loạn phát triển thần kinh của trẻ; đánh giá các vấn đề nhận thức và phát triển tâm lý, hành vi và cảm xúc của trẻ để tư vấn xây dựng các chiến lược can thiệp; thực hiện các can thiệp hành vi cảm xúc cho trẻ khi có các vấn đề hành vi cảm xúc kèm theo.

– Chuyên viên Âm ngữ trị liệu: đánh giá các đặc điểm phát âm, lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ rối loạn phát triển thần kinh nhằm góp phần chẩn đoán phân biệt và hỗ trợ, can thiệp theo khía cạnh ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ.

– Chuyên viên giáo dục đặc biệt: đánh giá để hổ trợ chẩn đoán và đánh giá phát triển để xây dựng chiến lược, mục tiêu can thiệp chuyên sâu; thực hiện các can thiệp chuyên sâu trong lĩnh vực mình đào tạo.

– Chuyên viên hoạt động trị liệu và vật lý trị liệu/ trị liệu giác quan: thực hiện đánh giá các yếu tố về vấn đề vận động và chức năng cảm giác có ảnh hưởng hay mối liên hệ đến sự phát triển của trẻ như các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày hay các chức năng thao tác vận động khác liên quan đến đặc trưng rối loạn chính của trẻ.

Để triển khai mô hình vào thực tiễn, HDEC đã thiết lập quy trình cung cấp dịch vụ với 8 bước chính như sau:

Bước 1. Tiếp nhận

  1. Việc tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu đánh giá và can thiệp rối loạn phát triển thần kinh, các khó khăn tâm lý đặc thù ở lứa tuổi trẻ em thông qua hai kênh chủ yếu.

– Thứ nhất, từ các đơn vị chuyển gửi: Các tổ chức (như bệnh viện Nhi đồng, trường mầm non hoặc các phòng khám) trong quá trình chăm sóc và giáo dục có thể nhận diện các biểu hiện bất thường về sự phát triển của trẻ để chuyển gửi đến trung tâm đánh giá và can thiệp sớm. Các vấn đề được xem là lý do chuyển đến trung tâm tiếp nhận đối với trẻ em trước tuổi đi học gồm: thiếu hụt kỹ năng xã hội, nhận thức, ngôn ngữ, hành vi, năng lực hành vi thích ứng nói chung của trẻ. Đối với trẻ trong lứa tuổi học đường gồm các khó khăn: năng lực học tập, vấn đề hành vi cảm xúc, năng lực ngôn ngữ-giao tiếp, các kỹ năng xã hội hoặc các vấn đề tâm lý khác.

– Thứ hai, lo lắng, nghi ngờ của cha mẹ hoặc người chăm sóc: Dựa theo yêu cầu của cha mẹ hoặc người chăm sóc khi chia sẻ về các mối lo ngại về các vấn đề phát triển, vấn đề hành vi- cảm xúc hay tình trạng sức khỏe tâm thần của con cái. Mối quan tâm, lo ngại của cha mẹ được bộc lộ bằng những liệt kê các biểu hiện mà họ quan sát được trong môi trường ở gia đình, trường học và ngoài xã hội.

  1. Việc tiếp nhận trẻ và cha mẹ/ hoặc người chăm sóc tại trung tâm sẽ do Nhân viên hành chính/ hoặc Nhân viên Chăm sóc khách hàng thực hiện. Công việc chính của họ bao gồm:

– Lấy thông tin cơ bản của trẻ và gia đình.

– Đánh giá nhu cầu ban đầu của gia đình.

Sau khi thu thập đủ dữ liệu, nhân viên sẽ chuyển trường hợp cho nhà chuyên môn đánh giá và chẩn đoán lâm sàng.

Bước 2. Chẩn đoán lâm sàng

  1. Chẩn đoán lâm sàng là công việc mà nhà chuyên môn đủ năng lực thực hiện các khám xét, đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng (xét nghiệm, điện não đồ, trắc nghiệm tâm lý …), đồng thời dựa theo các bảng tiêu chuẩn chẩn đoán (cụ thể là tiêu chuẩn DSM – 5 và ICD – 11) để xác định chính xác rối loạn/ bệnh tật của trẻ.

Ngoài việc chẩn doán xác định, nhà chuyên môn cũng sẽ xem xét các rối loạn/ bệnh khác đi kèm (nếu có).

  1. Việc thực hiện chẩn đoán lâm sàng phải do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hoặc nhà tâm lý lâm sàng (có trình độ Tiến sĩ), bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán đánh giá các vấn đề phát triển của trẻ.

Dựa trên các kết quả cận lâm sàng (xét nghiệm, điện não đồ, các thang/ trắc nghiệm tâm lý sàng lọc ban đầu), quá trình phỏng vấn các thông tin từ cha mẹ hoặc người chăm sóc chính (các thông tin quá trình mang thai và phát triển sau sinh, quá trình giáo dục nuôi dưỡng trẻ, tiền sử gia đình,…) và quá trình quan sát, nhận định trực tiếp trên trẻ để tiến hành chẩn đoán.

Đối với các trường hợp khó chẩn đoán do triệu chứng mờ nhạt, không rõ ràng và cần thêm các dữ liệu khách quan khác, các nhà chuyên môn thực hiện chẩn đoán yêu cầu được đánh giá cận lâm sàng bằng các công cụ sàng lọc phát triển được chuẩn hóa. Các nhà chuyên môn thực hiện sàng lọc thuộc các ngành khác nhau liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ như: Tâm lý lâm sàng, Ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu,…tiến hành đánh giá nhanh và thảo luận cùng nhà chuyên môn thực hiện chẩn đoán để căn cứ chẩn đoán đúng vấn đề.

  1. Đối với các trường hợp trẻ có các vấn đề liên quan đến thực thể y khoa, những yếu tố khác ảnh hưởng tới các biểu hiện của trẻ, nhà chuyên môn có thể cần tham khảo thêm các ý kiến từ các nhà chuyên môn ở lĩnh vực khác (Vật lý trị liệu, bác sĩ chuyên khoa các ngành tai, mũi, họng,..). Hoặc nhà chuyên môn sẽ yêu cầu chuyển ca đến đơn vị, cơ sở đủ năng lực để đánh giá bổ sung trước khi có chẩn đoán chính xác.

Sau khi xác định chẩn đoán hoặc chẩn đoán tạm thời, nhà chuyên môn tiến hành đề nghị đánh giá phát triển cụ thể theo từng vấn đề mà trẻ gặp phải, tương ứng với các lĩnh vực chuyên môn trong nhóm đa ngành. Đồng thời, tư vấn và xác định thêm các nhu cầu của cha mẹ hoặc người chăm sóc về các định hướng can thiệp và xác định các nhu cầu hỗ trợ.

Bước 3. Chỉ định đánh giá phát triển & chuyên ngành.

  1. Dựa trên kết quả chẩn đoán ban đầu và danh sách các vấn đề của trẻ, nhà chuyên môn tiến hành xác định các lĩnh vực chuyên môn cần tham gia phối hợp vào công tác đánh giá phát triển bao gồm các nhóm chuyên môn:

– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

– Nhà tâm lý lâm sàng và hành vi.

– Bác sĩ Phục hồi chức năng (đánh giá sâu về lĩnh vực Hoạt động trị liệu và vận động, điều hoà cảm giác).

– Nhà Ngôn ngữ trị liệu.

– Chuyên viên Giáo dục đặc biệt.

Ngoài ra, trong quá trình chẩn đoán, nhà chuyên môn có thể chuyển trường hợp tới các đơn vị, cơ sở đủ chức năng thực hiện khi có những nghi ngờ hoặc nhận diện các vấn đề y khoa khác ở trẻ.

  1. Các công cụ đánh giá được sử dụng đặc thù theo mỗi lĩnh vực và dựa theo nhu cầu và các vấn đề của rối loạn của trẻ. Mỗi bản cáo cáo đánh giá của mỗi lĩnh vực đều có những nhận định chi tiết về lĩnh vực đó, đồng thời đi kèm là kế hoạch can thiệp dài hạn và ngắn hạn. Việc lên kế hoạch can thiệp, trị liệu cá nhân cần được thảo luận giữa các nhà chuyên môn ở mỗi lĩnh vực để đưa ra chương trình phù hợp với nhu cầu, năng lực hiện tại và nhu cầu thực tế của trẻ.

Khuyến nghị về hình thức cần can thiệp (bán trú hoặc theo giờ), đồng thời khuyến nghị về việc phân bố lượng thời gian can thiệp theo các lĩnh vực nhằm đảm bảo can thiệp toàn diện và phù hợp với nhu cầu thực tế của trẻ và gia đình.

Bước 4. Thực hiện đánh giá.

  1. Sau khi nhận các chỉ định đánh giá từ nhà chuyên môn chẩn đoán lâm sàng, các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực sử dụng công cụ và kỹ thuật chuyên sâu của mình thực hiện các đánh giá. Việc thực hiện các đánh giá bằng cách thu thập thông tin quan sát trên trẻ và phỏng vấn trên cha mẹ/ người nuôi dưỡng hoặc các đối tác khác (như giáo viên mầm non), đồng thời có thể tham khảo từ các nhà chuyên môn trong lĩnh vực khác.

            Các lĩnh vực đánh giá bao gồm:

            – Bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

– Nhà tâm lý lâm sàng và hành vi.

– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần: khám xét và đánh giá chuyên sâu về các rối loạn kèm theo của trẻ, chỉ định điều trị hoá dược/ thuốc khi cần thiết.

– Bác sĩ Phục hồi chức năng (đánh giá sâu về lĩnh vực Hoạt động trị liệu và vận động, điều hoà cảm giác).

– Nhà Ngôn ngữ trị liệu.

– Chuyên viên Giáo dục đặc biệt.

Thời gian cho một chương trình đánh giá tuỳ vào chuyên ngành của lĩnh vực đánh giá, tuy nhiên không vượt qúa 5 giờ kể cả thời gian viết báo cáo (bao gồm tất cả các lĩnh vực đánh giá).

  1. Sau khi thực hiện đánh giá, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích dữ liệu viết báo cáo giải trình về phát triển và các vấn đề của trẻ, đồng thời đề xuất chiến lược can thiệp trong 6 tháng phù hợp với các đặc điểm và mốc phát triển của trẻ trên cơ sở chuyên ngành của mình. Bản báo cáo và chiến lược can thiệp sẽ được từng nhà chuyên môn viết theo đặc thù của ngành/ lĩnh vực chuyên môn của mình một cách độc lập (có hội chẩn/ thảo luận kết quả đánh giá một trong các nhà chuyên môn thấy cần thiết).

Bước 5a. Trả kết quả đánh giá

  1. Các nhà chuyên môn cùng tham gia trao đổi kết quả sau đánh giá cho cha mẹ hoặc người chăm sóc là điều cần thiết. Điều đó không chỉ giúp cho cha mẹ hoặc người chăm sóc nhận diện được các vấn đề của trẻ mà việc cùng tham gia trao đổi kết quả của các nhà chuyên môn phụ trách đánh giá còn đảm bảo giải quyết tốt các thắc mắc của cha mẹ hoặc người chăm sóc khi có những thắc mắc về vấn đề trong lĩnh vực mà họ quan tâm.
  2. Các nhà chuyên môn trực tiếp đánh giá và viết báo cáo cần được khuyến nghị cùng ngồi trực tiếp trả kết quả cũng như tư vấn cho cha mẹ/ người chăm sóc về kết quả đánh giá. Đồng thời có cách thức hướng dẫn cha mẹ/ phụ huynh một số kỹ năng cơ bản khi hỗ trợ trẻ tại nhà. Tuỳ vào lĩnh vực đánh giá mà có các nhà chuyên môn trong lĩnh vực ấy tham gia vào bước trả kết quả đánh giá, thời gian cho một lần trả kết quả đánh giá là 60 phút (1 giờ) tại văn phòng trung tâm. Lịch hẹn và sắp xếp buổi trả kết quả/ hướng dẫn can thiệp cho cha mẹ/ người nuôi dưỡng sẽ được Nhân viên hành chính/ chăm sóc khách hàng thực hiện.

Các nhân sự tham gia quá trình trả kết quả cho cha mẹ/ người nuôi dưỡng bao gồm: 1) Nhà chuyên môn thực hiện chẩn đoán lâm sàng; 2) Nhân viên hành chính, chăm sóc khách hàng; 3) Các nhà chuyên môn tham gia đánh giá phát triển và tư vấn chiến lược can thiệp.

Bước 5b. Hội chẩn

  1. Đây là bước không thực hiện thường xuyên trong mô hình, nhưng rất cần thiết đối với các trường hợp cần được đánh giá, chẩn đoán bổ sung hoặc có nhiều quan điểm giữa các nhà chuyên môn với nhau trước một vấn đề. Trong quá trình tiếp nhận đánh giá, dựa trên thông tin ban đầu, các thông tin quan sát trẻ trong quá trình diễn ra hoạt động đánh giá và kết quả sau khi đánh giá, các nhà chuyên môn nhận thấy thêm các vấn đề khác hoặc vấn đề của trẻ cần được xem xét lại đều có thể yêu cầu được hội chẩn trường hợp với sự tham gia của các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực liên quan.

Bước 6. Tư vấn/ xác định nhu cầu

  1. Để tiết kiệm thời gian, bước này có thể được thực hiện trong bước 5a. Trả kết quả.
  2. Dựa trên các thông tin chẩn đoán và kết quả đánh giá, nhà chuyên môn chịu trách nhiệm chẩn đoán ban đầu phải là người cuối cùng tổng hợp các nội dung báo cáo từ các nhà chuyên môn khác nhau để đưa ra chỉ định can thiệp cho cha mẹ/ người chăm sóc đối với từng vấn đề của trẻ, bao gồm: 1) Các dịch vụ/ loại hình can thiệp (thuốc; giáo dục đặc biệt; âm ngữ trị liệu; can thiệp hành vi; điều hoà cảm giác; hoạt động trị liệu; vật lý trị liệu); 2) Hình thức can thiệp (bán trú hay theo giờ); 3) Các dịch vụ cần được ưu tiên can thiệp trong 3 – 6 tháng đầu; 4) Chỉ định thời gian can thiệp với từng mảng dịch vụ cụ thể đảm báo tính hợp lý giữa nhu cầu của trẻ, khả năng và điều kiện của cha mẹ/ người chăm sóc.
  3. Việc tư vấn/ xác định nhu cầu can thiệp này sẽ được thực hiện bằng cách trao đổi trực tiếp với cha mẹ/ người nuôi dưỡng của trẻ và phải được sự thống nhất, đồng ý của cha mẹ trong bản thoả thuận/ cam kết tiến trình can thiệp.

Bước 7. Tiếp nhận can thiệp hoặc chuyển ca

Các hoạt động can thiệp được thể hiện theo các hình thức và loại hình dịch vụ can thiệp khác nhau. Việc chỉ định vào các hình thức và loại hình này sẽ do nhu cầu, thoả thuận của cha mẹ/ người chăm sóc; nhu cầu dịch vụ của trẻ và chỉ định/ đề nghị của nhà chuyên môn chẩn đoán lâm sàng. Các hình thức và loại hình dịch vụ cụ thể:

7a. Với hình thức can thiệp theo giờ

Các dịch vụ theo giờ tương đối đa dạng và đáp ứng đa dạng theo các nhu cầu liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ, bao gồm: Khám và điều trị tâm thần (hoá dược/ thuốc định kỳ); Tâm lý lâm sàng và hành vi; Giáo dục đặc biệt; Ngôn ngữ trị liệu; Hoạt động trị liệu; Vật lý trị liệu/ Điều hoà cảm giác. Tùy vào từng vấn đề của trẻ mà các hoạt động can thiệp được phân bố ở mỗi lĩnh vực chuyên môn can thiệp khác nhau trên cơ sở chỉ định và tư vấn của nhà chuyên môn.

Can thiệp theo giờ có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào (trong giờ hành chính, hoặc ngoài giờ hành chính), hoặc số lượng các dịch vụ/ lĩnh vực chuyên ngành can thiệp, hoặc số giờ can thiệp tuỳ theo nhu cầu/ cam kết quả cha mẹ/ người nuôi dưỡng và trung tâm. Thời gian cho mỗi lĩnh vực can thiệp từ 2 đến 5 giờ (mỗi giờ 60 phút) trên 1 tuần.

7b. Với hình thức bán trú

 Trẻ tham gia hình thức bán trú chủ yếu là những trẻ thuộc nhóm rối loạn phát triển ở độ tuổi can thiệp sớm (có tuổi thực dưới 6 tuổi, một số trường hợp có chức năng nhận thức tốt có thể duy trì đến 8 hoặc 9 tuổi), những trẻ này được tham gia học tập và sinh hoạt cả ngày theo mô hình giáo dục đặc biệt với hai hình thức can thiệp gồm: Can thiệp cá nhân (chủ yếu giáo dục đặc biệt) và can thiệp theo nhóm, ngoài ra trẻ cũng có thể tiếp nhận các dịch vụ can thiệp theo giờ (cộng thêm) nếu cha mẹ/ người nuôi dưỡng có nhu cầu và thoả thuận/ cam kết. Trẻ tham gia can thiệp sớm được phân/ chuyển vào các Bộ phận can thiệp tuỳ theo tuổi phát triển và đặc điểm của trẻ với quy mô từ 10 – 16 trẻ/ một Bộ phận can thiệp (Mỗi Bộ phận có 4 chuyên viên can thiệp cá nhân và 1 bảo mẫu chăm sóc).

  1. i) Các dịch vụ cơ bản dành cho trẻ can thiệp bán trú:

– Được tiếp nhận chăm sóc tại trung tâm trong giờ hành chính (từ 7:00 – 17:00) bởi hệ thống các nhân viên bảo mẫu và cấp dưỡng.

– Được tiếp nhận các hoạt động can thiệp cơ bản:

  • Can thiệp cá nhân: là can thiệp theo hình thức 1 – 1 (một chuyên viên – một trẻ), trẻ sẽ được can thiệp bởi một nhóm giáo viên cá nhân luân phiên với thời gian từ 45 – 60 phút /một giờ can thiệp. Mỗi trẻ sẽ được can thiệp theo một chương trình riêng theo từng lĩnh vực được khuyến nghị bởi nhà chuyên môn. Một ngày, trẻ sẽ được tiếp nhận 1 đến 2 giờ can thiệp tuỳ vào nhu cầu của trẻ.
  • Can thiệp nhóm: can thiệp theo hình thức tập trung các nhóm trẻ có cùng một mức độ tương đương nhau giúp cho các trẻ có thể tương tác, học hỏi lẫn nhau (thường một nhóm khoảng 10 – 15 trẻ).
  1. ii) Ngoài ra, trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt diễn ra hằng ngày sau giờ can thiệp. Các trẻ sẽ được hướng dẫn và chơi các trò chơi tại phòng chơi, tổ chức các trò chơi vận động.

iii) Ngoài các dịch vụ cơ bản tại phần i), trẻ có thể được tiếp nhận các dịch vụ/ lĩnh vực can thiệp khác trên cơ sở nhu cầu của trẻ, đồng thuận và cam kết quả cha mẹ, chỉ định của nhà chuyên môn. Các lĩnh vực khác được hiểu là các dịch vụ/ lĩnh vực can thiệp theo giờ được mô tả ở trên.

7c. Chuyển trường hợp (ca)

Đối với một số trường hợp khác cần sự phối hợp can thiệp hoặc cần được điều trị các vấn đề y khoa trước khi tiến hành can thiệp các vấn đề rối loạn phát triển, các chuyên viên sẽ tiến hành chuyển ca để được hỗ trợ theo chỉ định hoặc khuyến nghị từ nhà chuyên môn. Hoặc một số trường hợp cần được can thiệp song song giữa can thiệp các vấn đề phát tiển và y khoa đồng thời.

Trong suốt quá trình can thiệp, các nhà chuyên môn có thể tiến hành các cuộc họp hội chẩn/ thảo luận chuyên môn để trẻ có thể tiếp nhận các dịch vụ đa ngành hiệu quả nhất.

Bước 8. Đánh giá định kỳ và chuyển tiếp

  1. Đánh giá định kỳ được thực hiện cứ sau 3 hoặc 6 tháng can thiệp, tuỳ vào lĩnh vực/ chuyên ngành hoặc mục tiêu, chương trình can thiệp. Đánh giá định kỳ được sử dụng lại toàn bộ quy trình ở bước 4 (thực hiện đánh giá) và bước 5 (trả kết quả đánh giá) với các nhà chuyên môn/ lĩnh vực đã được thiết lập từ đầu.
  2. Đánh giá chuyển tiếp được thực hiện khi:

            Trẻ được chỉ định đánh giá để chuyển tiếp ra học hoà nhập khi:

– Trong quá trình đánh giá định kỳ, nhà chuyên môn nhận thấy trẻ có thể ra học hoà nhập tại các trường mầm non hoặc tiểu học, hoặc chuyển tiếp lên các chương trình cao hơn.

            – Trong quá trình can thiệp, nhà chuyên môn nhận thấy trẻ có thể ra học hoà nhập tại các trường mầm non hoặc tiểu học, hoặc chuyển tiếp lên các chương trình cao hơn.

            – Trẻ không thuộc chương trình can thiệp sớm và cần phải chuyển sang các trung tâm chuyên biệt khác phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm phát triển.

            Sau khi nhận thấy trẻ có khả năng ra học hoà nhập, nhà chuyên môn theo dõi đánh giá/ hoặc can thiệp trẻ ghi phiếu đề nghị đánh giá để tư vấn chuyển tiếp cho trẻ. Việc chỉ định đánh giá và tổng hợp kết quả, tư vấn chuyển tiếp can thiệp được thực hiện bởi nhà chuyên môn chẩn đoán lâm sàng ban đầu. Sau khi có bản tổng hợp đánh giá, nhà chuyên môn chẩn đoán lâm sàng, bộ phận Hành chính tổng hợp/ chăm sóc và nhà chuyên môn thực hiện đánh giá/ can thiệp sẽ có buổi trao đổi cùng cha mẹ/ người chăm sóc để tư vấn cho trẻ chuyển tiếp.